Tìm việc dễ dàng...

Thời đại mới cần tài năng kiểu mới

03/01/2023 10:59 GMT+7

Bạn vượt qua vòng tuyển dụng và cực kỳ tự tin vào khả năng của bản thân, nhưng tại sao bạn vẫn không có thành tích cao bằng ai đó non kinh nghiệm hơn? CareerBuilder có các câu trả lời để bạn không lỗi thời trong mắt sếp.

Thời đại mới cần tài năng kiểu mới - Ảnh 1.

Các nhân sự tiềm năng thời đại mới không quan trọng ở tuổi tác, giới tính - Ảnh:PIXELS

Bạn đã từng nghe về những trường hợp đầy đủ bằng cấp phù hợp từ những trường hàng đầu, có kinh nghiệm ở tập đoàn lớn, đạt điểm cao ở tất cả kỹ năng mà lại không thể trụ lại được ở một vị trí; trong khi người thay thế - tuy không đủ tiêu chuẩn bằng người ban đầu, lại thành công ngoạn mục? Thời đại mới cần những tài năng kiểu mới!

Câu trả lời là khả năng thích ứng và phát triển bất chấp các nhiệm vụ và môi trường làm việc ngày càng phức tạp. Các nhà tuyển dụng gọi đó là ứng viên giàu "Tiềm năng". Và giờ đây, đó có thể là yếu tố quan trọng nhất để họ dự đoán về thành công của các ứng viên ở mọi cấp độ.

Khác với thời đại trước, khi các chuyên ngành đều rành rẽ về chuyên môn (nhà hóa học, kỹ sư, kế toán…), và những người IQ cao dễ tìm được việc hơn; thì ngày nay, IQ không còn là thước đo duy nhất. 

Ngày nay, các nhà tuyển dụng nhận ra rằng các nhà quản lý cần những phẩm chất và kỹ năng khác ngoài IQ. Và trong thời đại công nghệ, thì câu hỏi mà các nhà tuyển dụng quan tâm không phải là ứng viên có những kỹ năng phù hợp hay không, mà là liệu họ có tiềm năng để học những cái mới hay không. Và họ sẽ dựa trên một số căn cứ cơ bản để đánh giá điều đó.

Động lực hiểu biết

Những người có tiềm năng cao thường có tham vọng lớn và muốn để lại dấu ấn cá nhân, đồng thời, họ cũng khao khát đạt được những mục tiêu lớn cho tập thể, thể hiện sự khiêm tốn và không ngừng học hỏi để trở nên tốt hơn trong mọi việc họ làm. Niềm vui khi được khám phá những thành công mới (mà không phải vì tiền bạc hay danh vọng cá nhân) sẽ duy trì tiềm năng này lâu dài hơn.

Tìm kiếm vấn đề

Dựa trên kinh nghiệm và quá trình làm việc, bạn phát hiện vấn đề cần giải quyết và đưa ra giải pháp. Bạn thực sự thích thú với việc tìm ra các lỗ hổng trong quy trình, giải quyết nó để tiết kiệm nguồn lực và đạt được kết quả tối ưu hơn.

Đối với bạn, nhìn ra các cơ hội để sửa chữa, làm cho tốt hơn là một niềm vui. Niềm vui thích đó giúp bạn có khả năng chỉ ra các điểm yếu trong hệ thống và thúc đẩy các thay đổi có giá trị. Vì thế, dù là môi trường sư phạm, nghiên cứu hay kỹ thuật, các tổ chức đều cần cá nhân như bạn. Tổ chức nào càng ít "Nhà phát kiến", tổ chức đó càng dễ rơi vào ì trệ, khó đổi mới.

Thời đại mới cần tài năng kiểu mới - Ảnh 2.

Khả năng nhìn ra, đánh giá và giải quyết vấn đề góp phần đổi mới tổ chức - Ảnh:PIXELS

Hệ thống hóa vấn đề

Thay vì chỉ nhận thông tin một chiều và không thắc mắc, khả năng hệ thống hóa vấn đề giúp bạn tự định nghĩa những vấn đề mới dựa trên nhiều thông tin nền mà bạn có. Sau đó, bạn mô hình hóa một cách rõ ràng bằng cách đánh giá mối liên quan giữa các bộ phận, mối quan hệ và thông tin chi tiết khác nhau - những thứ có thể tạo thành cơ sở cho một giải pháp sau này.

Thói quen và kỹ năng này giúp bạn không làm việc một cách máy móc như được chỉ dạy, và dễ dàng nhìn ra bức tranh toàn cảnh của tổ chức. Điều này lý giải tại sao phần lớn các nhà quản lý điều hành đều có kỹ năng này: thói quen thiết lập kế hoạch chiến lược cho các mục tiêu xa hơn, thay vì thực hiện các nhiệm vụ mang tính thời điểm đã giúp ích cho họ trên con đường sự nghiệp.

Giải quyết vấn đề

Giải quyết vấn đề không có nghĩa là thực hiện nhiệm vụ được giao. Người có kỹ năng giải quyết vấn đề đồng thời có khả năng xây dựng và đề xuất giải pháp sau khi kiểm tra một cách có hệ thống tất cả các phương án khả thi.

Điều đó có nghĩa bạn có thể đánh giá, so sánh các hành động dựa trên kinh nghiệm thực tế và tham khảo ý kiến những người xung quanh. Điều đó đòi hỏi bạn có cái nhìn toàn cảnh và khách quan, đặc biệt, không để thiên kiến đối với bất kỳ thành viên nào khác trong nhóm ảnh hưởng đến quyết định của bạn. Điều chỉnh cái chưa tốt, biến nó thành cái tốt hơn mới là mục tiêu chính của bạn. Những tiềm năng trên của bạn có thể thể hiện qua những biểu hiện hàng ngày:

Tò mò: tìm kiếm những trải nghiệm, kiến thức mới, phản hồi của mọi người và cởi mở để học hỏi và thay đổi

Đánh giá sâu sắc: khả năng thu thập thông tin, tổng kết và tìm ra những giải pháp mới

Kết nối tập thể: truyền đạt tầm nhìn thuyết phục thông qua cảm xúc và logic, từ đó kết nối mọi người theo mục tiêu chung

Quyết tâm: khả năng đấu tranh cho những mục tiêu khó khăn bất chấp thử thách và phục hồi sau nghịch cảnh

Nhiều tổ chức tìm kiếm sự đổi mới, mà các nhân sự tiềm năng là chìa khóa làm nên điều đó. Trong một thế giới mà sự biến động, thay đổi diễn ra với tốc độ nhanh như hiện nay, thì những người coi các vấn đề là cơ hội để đổi mới, thay vì là thách thức cũng như sở hữu bốn năng lực trên sẽ là người dễ gặt hái thành công.