Rõ ràng là việc xây dựng các mối quan hệ và có được sự tin tưởng của đồng nghiệp là một trong những yếu tố thành công trong công việc. Nhưng kết nối nhiều, chia sẻ nhiều thôi vẫn chưa đủ cho một tình bạn đáng tin cậy.
Dù giỏi đến đâu, cũng thật buồn nếu không có bạn bè nơi công sở - Ảnh: Pexels
Có thể bạn vừa nhảy sang một lĩnh vực, ngành nghề khác hẳn với chuyên môn nền tảng của bản thân. Vì thế bạn không chia sẻ được với họ các thế mạnh của bạn, các đóng góp trong công việc của bạn với thành tích chung.
Sau nhiều cuộc họp, các ý tưởng của bạn cũng không được mọi người chú ý như mong muốn. Đã đến lúc bạn phải chuyển hướng sang xây dựng tốt mối quan hệ với những người khác để có được lòng tin và sự tôn trọng của họ.
Bởi có đồng đội và được đồng đội tin tưởng giúp bạn có được thành công ở bất kỳ công sở nào. Hãy thử một số kinh nghiệm của những chuyên gia tâm lý nhé.
Tìm cách để hoàn thiện bản thân
Ai cũng thích những người thú vị thay vì những người mờ nhạt, buồn chán. Để ‘có chuyện mà nói’ với người khác, bạn cần có sở thích cá nhân. Có điều gì bạn luôn muốn học không? Càng tiện hơn nữa nếu bạn có thể học được qua các khóa trực tuyến để rút ngắn thời gian, mà lớp học của bạn có thể đến từ bất kỳ đâu trên thế giới. Bạn đã biết cách vẽ tranh minh họa qua Instagram? Biết cách nếm rượu vang và văn hóa bàn tiệc qua một lớp học trực tuyến? Học chơi cờ qua các ứng dụng game?
Nếu đó là sở thích mà bạn muốn thực hiện từ lâu, thì đừng nên chần chừ. Sở thích vừa là cách để bạn có thể ‘đào thoát’ khỏi thế giới trách nhiệm của người lớn trong phút chốc, vừa là cái để bạn có thể khiến người khác nhận ra bạn thú vị đến đâu.
Và cơ bản hơn, khi bạn mãn nguyện về bản thân, về những điều nho nhỏ bạn thực hiện cho chính mình, bạn sẽ tự tin về giá trị bản thân để đối diện với các đồng nghiệp mới, với những người xung quanh. Nhớ là bạn không cần phải trở thành chuyên gia trong lĩnh vực bạn thích, nhưng bất kỳ kinh nghiệm nào cũng có thể là một chi tiết thú vị để bạn chia sẻ khi gặp gỡ người khác.
Đừng giả vờ là ai khác
Bạn cố tỏ ra có chung mối quan tâm với ai đó để kết nối? Sớm muộn họ cũng nhìn ra bạn và mất niềm tin ở bạn. Bởi vì bạn sẽ không thể nuôi dưỡng sự ‘chú ý’ giả vờ đó nếu bạn không thực lòng quan tâm.
Khi cần tìm ra điểm chung, hãy cố gắng tìm chủ đề mà bạn thực sự quan tâm và muốn cùng chia sẻ. Nếu không, đơn giản chỉ bày tỏ sự tò mò. Ví dụ, đồng nghiệp là fan hâm mộ bóng đá. Bạn không cần phải cùng phân tích với họ về các đội bóng vào bán kết World Cup 2022 dù không xem trận nào. Thay vì thế, hãy hỏi quan điểm của họ về từng đội, vì sao họ ủng hộ đội bóng nào đó. Đặt mình vào vai học sinh và để họ dạy bạn kiến thức mới có thể giúp xây dựng lòng tin một cách chân thực hơn nhiều.
Lắng nghe
Bí kíp này CareerViet đã chia sẻ rất nhiều lần. Đơn giản là mọi người thích nói về bản thân và sở thích của họ. Bạn cũng có thể nói về bạn, nhưng đừng quên khuyến khích đối phương chia sẻ nhiều hơn. Nếu biết tính mình thích nói nhiều và thích được chú ý, hãy chú ý xem mình có đang ‘chiếm sóng’ quá nhiều không, để ‘chuyển mic’ cho người khác.
Một cuộc nói chuyện quá ‘hoàn hảo’ kiểu họ nói đề tài gì, bạn cũng kể một câu chuyện tương tự để tỏ ra tương đồng chưa chắc đã tạo sự gắn kết bằng lắng nghe đơn thuần. Ví dụ: đồng nghiệp vừa đi Đà Lạt lần đầu và kể về chuyến đi đầy háo hức, bạn không cần phải cắt lời họ để kể về kinh nghiệm mà bạn có ở đó sau rất nhiều chuyến du lịch, trừ khi họ hỏi và muốn biết sâu về trải nghiệm của bạn. Hãy kết nối với câu chuyện của họ bằng những câu hỏi: họ thích nhất điều gì, họ đã ở đâu, họ có định đến đó lần nữa không?...
Mối quan hệ win-win là mối quan hệ bền vững - Ảnh: Pexels
Cho đi để nhận lại
Để khiến mọi người cởi mở hơn, chính bạn cũng phải bước ra khỏi vòng an toàn. Ví dụ: tiết lộ một số thông tin về bản thân trước để họ thoải mái chia sẻ ngược lại. Bạn muốn hỏi họ về điều gì, kinh nghiệm gì, trước hết, bạn phải có thứ tương tự trao cho đối phương. Bạn bước vào một cuộc trò chuyện với mục tiêu tìm hiểu thông tin, và chỉ đưa ra toàn câu hỏi, thì đối phương sẽ cảm giác như đang bị thẩm vấn, khai thác thông tin.
Hãy giúp họ thấy bạn là người ‘chơi đẹp’ trong mối quan hệ, và hơn cả, giúp họ thấy rằng bạn muốn coi họ là bạn, thay vì là ‘nguồn thông tin’. Hãy khiến họ thấy hữu ích khi trò chuyện với bạn.
Ghi nhớ
Hãy để ý những chi tiết nhỏ về cuộc sống của đồng nghiệp mà họ đã chia sẻ với bạn. Ví dụ: mối quan tâm của họ trong cuộc sống, môn thể thao họ yêu thích, con cái của họ tên gì… Việc bạn nhớ những điều nhỏ mà họ đã kể với bạn cho họ thấy bạn thực lòng quan tâm. Sự quan tâm, lưu ý đó không hề đơn giản, nó đòi hỏi thời gian, tình cảm, và đó chính là nền tảng cho những mối quan hệ bền vững.
Xây dựng lòng tin với đồng nghiệp đã đành, nhưng mọi kỹ thuật sẽ chỉ có tác dụng trong một thời gian nếu cách bạn tương tác với mọi người không dựa trên sự chân thành. Kết nối và thấu hiểu là cách để bạn định hình bản thân trong mắt mọi người. Nhưng coi thành công của đôi bên là mục tiêu mới giúp con đường sự nghiệp của bạn tiến xa và được hỗ trợ bởi đồng nghiệp.