Tìm việc dễ dàng...

Số người có việc làm cả nước tăng nhưng TP.HCM, Vũng Tàu lại giảm

06/04/2023 13:15 GMT+7

Thị trường lao động việc làm quý 1-2023 tiếp tục phục hồi, nhưng số người mất việc, giãn việc, thất nghiệp vẫn đáng lo ngại.

Số người có việc làm cả nước tăng nhưng TP.HCM, Vũng Tàu lại giảm - Ảnh 1.

Thị trường lao động phục hồi trong quý 1-2023 nhưng số mất việc, giãn việc, thất nghiệp vẫn cao - Ảnh: B.NGỌC

Ngày 6-4 tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê tổ chức Họp báo công bố tình hình lao động việc làm quý 1-2023 với nhiều tín hiệu tích cực.

Số người có việc làm tăng

Ông Phạm Hoài Nam - vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) - cho biết lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 1 năm nay là 52,2 triệu người, tăng 88.700 người so với quý trước và tăng hơn 1 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Số người có việc làm trên toàn quốc tiếp tục tăng so với quý trước, tuy nhiên lại có sự sụt giảm tại một số địa phương như TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Bắc Ninh, Bắc Giang...

Cụ thể, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm quý 1 đạt 51,1 triệu người, tăng 113.500 người so với quý trước, tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, số lao động có việc làm ở TP.HCM giảm 0,4%, Vũng Tàu giảm 2,6%, Bình Phước giảm gần 4,0%, Nghệ An giảm 5,5%, Bắc Giang giảm 4,5%, Bắc Ninh giảm 0,9%, Thái Nguyên giảm 2,2%, điều này làm giảm đà phục hồi của thị trường lao động nói chung.

Nhận định về điều này, bà Nguyễn Thị Thanh Mai - vụ phó Vụ Thống kê dân số và lao động - cho rằng các con số trên cho thấy sau mấy năm bị tổn thương bởi COVID-19, thị trường lao động dần trở lại trạng thái bình thường, song chưa thật sự khởi sắc.

Hơn 1 triệu người thất nghiệp

Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong quý 1, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động khoảng 885.500 người, giảm 12.400 người so với quý trước và giảm 443.100 người so với cùng kỳ năm trước.

So với quý trước, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 1-2023 khoảng 1,05 triệu người (chiếm 2,25%), giảm 34.600 người so với quý trước và giảm 65.100 người so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý 1, tỉ lệ thất nghiệp cao nhất thuộc về vùng Đồng bằng sông Cửu Long với khoảng 2,64% (tương ứng gần 220.000 người), tiếp theo là Đông Nam Bộ với 2,63% (tương ứng gần 263.000 người).

Điều đáng lưu ý, trong quý 1-2023 cả nước có hơn 1,5 triệu thanh niên 15-24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo, chiếm 11,7% tổng số thanh niên, tăng 54.200 người so với quý trước.

Tỉ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở TP.HCM quý 1 khoảng 9,7%, Hà Nội khoảng 6,4%, tăng so với cùng kỳ năm trước.

Khoảng 149.000 người mất việc, 294.000 người bị giãn việc

Theo ông Phạm Hoài Nam, tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương cắt giảm đơn hàng đã diễn ra từ quý 4-2022 và tiếp tục tiếp diễn sang quý 1-2023, dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng tới đời sống của người lao động.

Báo cáo nhanh từ các địa phương gửi về Tổng cục Thống kê cho thấy số lao động nghỉ, giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước trong quý 1 năm nay gần 294.000 người. Trong đó người lao động thuộc các doanh nghiệp FDI chiếm 83,8%.

Xét theo ngành nghề, số lao động bị giãn việc tập trung chủ yếu ở ngành da giày với 44,2%, dệt may với 18,8%.

Các địa phương có số lao động nghỉ, giãn việc nhiều trong quý 1 năm nay là: Bắc Giang 16.000 người, Hải Dương 9.800 người, Ninh Bình 19.700 người, Thanh Hóa 62.400 người, Nghệ An 12.600 người, Tây Ninh khoảng 21.800 người, Bình Dương khoảng 36.400 người, Đồng Nai khoảng 35.000 người, TP.HCM khoảng 19.800 người, Tiền Giang khoảng 11.500 người, Vĩnh Long khoảng 13.200 người.

Cả nước có gần 118.000 lao động bị mất việc tại các doanh nghiệp trong quý 4-2022, sang quý 1-2023, con số này không giảm đi mà tăng lên. 

Số lao động bị mất việc là gần 149.000 người. Trong đó 55,2% lao động bị mất việc thuộc các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, tập trung ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, như Đồng Nai khoảng 32.600 người, Bình Dương khoảng 21.700 người, Bắc Ninh khoảng 14.000 người, Bắc Giang khoảng 7.700 người.

Theo ông Nguyễn Trung Tiến - phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế thấp quý 1 phần nào ảnh hưởng đến tình hình lao động, việc làm khi số doanh nghiệp rời bỏ thị trường lớn hơn doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động. Nhưng ông tin tưởng với sự điều hành sát sao của Chính phủ, thị trường việc làm sẽ tiếp tục phục hồi trong quý 2-2023.