Thông minh thôi không đủ. Người có năng lực trí tuệ đôi khi không có được sự nghiệp như mong muốn, là vì họ đã có những sai lầm vàtự phá hoại con đường của họ một cách tinh vi mà không hề nhận ra.
Đừng chỉ sống và làm việc trong thế giới riêng của mình - Ảnh: Pexels
Bạn đôi khi sẽ gặp những câu chuyện như thủ khoa đại học lại chỉ là một trưởng phòng bình thường, đi làm thuê cho những người có thành tích học tập không bằng. Trí thông minh chắc chắn là một tài sản, nhưng làm sao để tài sản đó được tận dụng hiệu quả trong sự nghiệp, thì bạn phải vượt qua những vấn đề sau:
1. Đánh giá thấp các kỹ năng khác
Những người rất thông minh đôi khi tưởng rằng thông minh chắc chắn sẽ thành công, và vì thế không coi trọng các kỹ năng khác. Họ thậm chí có thể nhìn ai đó hoạt ngôn, dễ thương như là một biểu hiện của sự xu nịnh, sống "diễn"...
Thực chất, quan điểm này xuất hiện là lẽ bình thường. Vì hầu hết mọi người có thiên hướng tự nhiên là muốn tận dụng thế mạnh của họ và ngược lại, tránh nghĩ về những lĩnh vực không phải là thế mạnh bẩm sinh. Nếu từ bé bạn đã được khen thông minh, thì bạn sẽ tiếp tục tập trung vào trí tuệ khi trưởng thành. Nhưng nếu bạn không nhìn ra rằng giao tiếp tốt, hay khả năng làm mọi người dễ chịu khi ở bên cũng là một điều cần thiết trong cuộc sống, thì mọi người đơn giản sẽ không muốn làm bạn với bạn.
Giải pháp: Nếu bạn thực sự thông minh, bạn cũng có thể học những kỹ năng khác. Không cần thay đổi hẳn cá tính, bạn chỉ cần có ý định nghiêm túc học hỏi người khác với thái độ cầu tiến.
2. Khó chịu khi phải làm việc nhóm
Những người có tư duy nhanh và có tiêu chuẩn cao về hiệu suất công việc chắc chắn sẽ cảm thấy bị kìm chân bởi những người có tốc độ xử lý thông tin, tiếp thu kiến thức chậm hơn. Sự thất vọng với hiệu suất nhóm càng nảy sinh khi bạn có cảm giác phải thường xuyên làm hầu hết các công việc trong các dự án nhóm. Mặt khác, những người thông minh đôi khi cũng cảm thấy khó giao phó công việc cho người khác vì không tin rằng người đó đáp ứng được tính cầu toàn của họ. Và điều đó đẩy người thông minh ra khỏi nhịp làm việc chung.
Giải pháp: Hãy chấp nhận sự khó chịu bên trong bạn, tìm cách hiểu rõ nguyên nhân sâu xa của chúng (từ những kinh nghiệm chán nản trong quá khứ?). Sau đó tìm cách đánh giá những điểm mạnh của người khác trong nhóm, để nhìn ra điểm tích cực khi một nhóm có những bộ óc tư duy đa dạng.
3. Coi thành tích như sự tự trọng
Khi lòng tự trọng của bạn phụ thuộc vào trí thông minh, bạn rất dễ sụp đổ khi gặp thất bại. Sẽ có một ngày bạn nhận ra công việc cần một trí thông minh kiểu khác, hoặc ai đó thông minh hơn bạn ở lĩnh vực khác. Càng đặt nặng tự trọng vào khả năng tư duy, bạn càng khó chấp nhận rủi ro. Nếu tìm cách tránh những tình huống, công việc khiến bạn bộc lộ điểm yếu trí tuệ, bạn sẽ tự hạn chế cơ hội học hỏi của bản thân.
Làm việc nhóm giúp bạn học hỏi những điều không ngờ tới - Ảnh: Pexels
Giải pháp: Hãy nhìn nhận một cách khách quan về lợi ích của việc làm việc với những người thông minh hơn, giỏi hơn bạn ở một khía cạnh nào đó. Nếu xung quanh là những người thông minh, bạn sẽ nhận được những kiến thức mới cũng như những phản hồi hữu ích. Càng quen với việc học hỏi, bạn càng thấy thoải mái với việc thử và sai để tiến bộ.
4. Dễ cảm thấy buồn chán
Có nhiều công việc đòi hỏi quá trình lặp đi lặp lại để bạn trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó. Nhưng là người vừa thông minh vừa tò mò, ham học hỏi những điều mới - bạn dễ phát ốm với những việc lặp đi lặp lại. Những kiến thức cũ không hề có tính thách thức và kích thích sáng tạo với bạn.
Giải pháp: Hãy thử đặt ‘giới hạn chịu đựng sự nhàm chán’ trên cán cân tương ứng với thành công đi kèm. Thay vì từ bỏ, hãy xem từng đó thời gian làm một việc nhàm chán mang lại lợi ích ra sao (ví dụ: thu nhập cao để tự do làm việc mình thích ngoài giờ hành chính). Sau đó dành thời gian rảnh cho những niềm vui khác trong cuộc sống.
5. Phản ứng chậm
Những người sáng dạ thường thích làm việc rốt ráo, tư duy sâu sắc để giải quyết căn nguyên của vấn đề. Vì thế, có thể bạn sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng mọi việc và suy ngẫm về mọi sai lầm trong khi tình huống đòi hỏi bạn phải ra quyết định nhanh. Tính cầu toàn cũng khiến bạn không bắt kịp yêu cầu ưu tiên của công việc là tốc độ, thời hạn hoàn thành.
Giải pháp: Lưu ý khi tư duy sâu trở thành nỗi ám ảnh mà bạn áp dụng trong mọi việc. Hãy cân nhắc các chiến lược có thể hiệu quả khác. Ví dụ: bạn biết ai đó là chuyên gia trong lĩnh vực này, và đầu việc cần hoàn thành gấp, bạn nên hỏi sự giúp đỡ của họ thay vì nghiên cứu từ đầu. Thử cho phép bản thân nghỉ ngơi và học hỏi từ người khác. Như vậy, công việc vừa được hoàn thành đúng thời hạn, bạn lại có thể nghiên cứu tiếp về đề tài đó với một góc nhìn mới sau khi tham khảo từ người khác.
Người càng thông minh càng dễ phán xét bản thân, đồng thời coi thường việc dựa vào người khác. Nhưng con người là không hoàn hảo, và việc làm việc nhóm cũng quan trọng như làm việc một mình. Bạn hoàn toàn có thể trở thành người xuất sắc hơn nếu học các cách giải quyết vấn đề mới như CareerViet đã chia sẻ bên trên.