Ở vai trò mới, bạn kỳ vọng rằng sẽ áp dụng được kinh nghiệm và tài năng vào công việc, được sếp và đồng nghiệp công nhận và giành được một vài thành công trong thời gian thử việc...? Vậy hãy thử một số mẹo của CareerBuilder.
Hãy biến mình thành một người có đóng góp quan trọng trong tổ chức - Ảnh: Pexels.
Một vai trò mới - cho dù là thăng chức, chuyển đến một chỗ làm mới hay nhận dự án mới trong công việc hiện tại - có thể là một động lực rất lớn cho sự nghiệp của bạn và là cơ hội để bạn phát triển. Nhưng trong môi trường cạnh tranh ngày nay, có năng lực và chăm chỉ thôi không đủ.
Xây dựng mạng lưới siêu cộng tác
Những người làm việc hiệu quả nhất, sáng tạo nhất trong vai trò mới – còn được gọi là "những lãnh đạo nhanh nhạy" - là những người biết tạo mạng lưới quan hệ rộng mở, cùng có lợi, nâng cao tinh thần làm việc của mình và mọi người ngay từ đầu. Nhờ mạng lưới này, họ có khả năng lôi kéo người khác; nhận biết được cách để gia tăng giá trị, hiểu được mình thiếu cái gì và ai có thể hỗ trợ; từ đó tiếp tục mở rộng mạng lưới quanh họ để phát triển thành công tối đa.
Ngày càng có nhiều công ty nhận ra sự hợp tác giữa các bộ phận là cách đạt mục tiêu kinh doanh nhanh hơn bao giờ hết. Đã có những công ty coi "hiệu suất kết nối" - nâng cao và tận dụng hiệu quả công việc của người khác để cải thiện hiệu quả của chính mình - cũng quan trọng như khả năng xử lý các nhiệm vụ riêng lẻ.
Kể cả khi bạn không quen biết ai trước khi vào công ty mới nhưng biết cách xây dựng mạng lưới đồng nghiệp phù hợp thì bạn cũng sẽ có năng suất tốt, đổi mới nhanh, quan hệ đồng nghiệp mật thiết hơn và nguy cơ phải rời đi thấp hơn.
Nếu bạn còn chưa coi việc thiết lập mạng lưới quan hệ đồng nghiệp xung quanh là một mục tiêu thì hãy thay đổi ngay.
Tạo thiện chí
Thu hút những đồng nghiệp cùng chí hướng sẽ mang lại lợi ích cho bản thân và tổ chức. Hãy tìm cách để mọi người đến với bạn, đưa ra lời khuyên, đề xuất ý tưởng mới và đưa bạn vào các dự án mới để bạn có cơ hội với vai trò tiếp theo.
Điều này đòi hỏi kỹ năng đặt câu hỏi và lắng nghe để hiểu rõ hơn về suy nghĩ, nhu cầu và mục tiêu của người khác. Bao gồm cả nỗ lực xây dựng các mối quan hệ thực sự: tò mò về sở thích công việc và cá nhân của người khác; tìm kiếm điểm chung.
Điều này giúp xây dựng cảm giác thiện chí, vì bạn thể hiện rằng bạn công nhận địa vị, giá trị và sự đóng góp của mọi người. Đồng thời, hãy tự hỏi bản thân liệu bạn có giúp ích gì cho người mà mình đang trò chuyện cùng.
Bạn cũng cần chú ý đến việc khiêm tốn: khi gặp gỡ những người mới, nhiều người trong chúng ta bị cám dỗ của việc khoe khoang kỹ năng và kinh nghiệm để thể hiện ngay giá trị của chúng ta. Nhưng "hữu xạ tự nhiên hương", hãy để kết quả công việc chứng minh.
Xác định cách bạn gia tăng giá trị
Muốn là người dẫn đầu, bạn cần hiểu rõ giá trị gia tăng của bạn.
Chuyển sang vị trí mới luôn tạo ra khoảng trống kỹ năng. Vậy hãy tận dụng những kỹ năng có sẵn, sau đó làm việc để cải thiện những lĩnh vực mà bạn yếu kém hoặc tìm những người có kiến thức và kỹ năng lấp đầy khoảng trống.
Nếu thấy ý kiến của mọi người trái ngược với mình quá nhiều thì khi bắt đầu một dự án mới, hãy tìm cách để mọi người cùng tham gia, thay vì đưa ra quyết định đơn phương hoặc để lựa chọn theo số đông.
Đừng ngại hỏi ý kiến, kinh nghiệm của đồng nghiệp - Ảnh: Pexels.
Tất nhiên, cách nhanh nhất để tạo cảm tình là sắp xếp để đôi bên cùng có lợi, để những người bạn mới có được lợi ích nhiều như những gì họ làm cho bạn. Khi kế hoạch của bạn bị phản đối vì lý do nào đó, hãy tìm những phương án mới mẻ và khả thi, mang tính bù đắp về hiệu quả kinh doanh.
Kiến thức và sự linh hoạt của bạn có thể thuyết phục được, thậm chí khiến họ trở thành một người bạn và một cố vấn, sẵn lòng chia sẻ với bạn các câu hỏi, thông tin và ý tưởng cho các sáng kiến mới.
Lĩnh vực chính của bạn có thể là công nghệ, kỹ thuật… nhưng hãy nhớ bạn không cần luôn luôn dùng duy nhất thế mạnh đó. Khả năng truyền cảm hứng cho mọi người hay các kỹ năng vô hình khác cũng có thể mang lại giá trị chung cho cả dự án.
Liên kết để thành công trong cả công việc và đời sống
Đảm nhận một vai trò mới nghĩa là bạn vừa phải phát triển công việc chuyên môn, vừa phải xây dựng mạng lưới quan hệ, nhưng bạn cũng cần sắp xếp để ưu tiên sức khỏe thể chất và tinh thần.
Điều tiên quyết là không xây dựng một mạng lưới quá rộng gây giảm chất lượng các mối quan hệ hoặc khiến bản thân quá tải để duy trì. Hãy tập trung vào những người hiểu biết, tử tế, tràn đầy năng lượng và tạo ra những thắng lợi chung cho đôi bên.
Nếu may mắn, bạn có thể tìm ra những người có thể lấp đầy khoảng trống kỹ năng của bạn, giúp bạn tập trung vào những công việc có giá trị, ý nghĩa và có khả năng phát triển hơn nữa. Thậm chí, những người đồng sự mới có thể bảo vệ bạn khỏi những áp lực không đáng có, chỉ cho bạn con đường để cân bằng công việc/cuộc sống tốt hơn.
Nhưng mọi điều sẽ chỉ có thể xuất phát từ chính bạn: thiện cảm mà bạn dành cho họ, đóng góp mà bạn mong muốn mang lại cho họ cũng như tổ chức. Hãy để họ thấy họ cần bạn cũng như bạn cần họ.