Không tính đến yếu tố khách quan khiến các doanh nghiệp phải sa thải nhân sự trước Tết, nhiều nghiên cứu cho thấy việc giữ chân nhân viên chính là cách quản lý nhân sự tốt nhất, tiết kiệm nhất, tối ưu nhất cho doanh nghiệp.
Nhà quản lý hiện đại không còn là người "chỉ tay năm ngón" – Ảnh: Pexels
Từng có 67% nhân viên Google xin nghỉ việc cho biết rằng cấp trên của họ không cố gắng tìm cách giữ chân trước khi họ nghỉ việc chính thức. Bất chấp việc tuyển dụng và chi phí đi kèm do thiếu nhân sự cao đến đâu, các công ty để nhân viên bỏ đi mà không thuyết phục họ ở lại có vẻ là điều bình thường, ngay cả với ông lớn ngành công nghệ như Google. Nhưng các lãnh đạo & bộ phận Nhân sự có lẽ sẽ phải xem xét lại điều này càng sớm càng tốt.
Tại sao nên giữ chân nhân sự?
Đầu tiên, kể cả trong trường hợp nhân sự đó và quản lý trực tiếp của họ ‘cơm không lành, canh không ngọt’ thì các lãnh đạo vẫn nên ưu tiên giữ lại những tài năng mà họ đã dày công tuyển dụng và đào tạo.
Thứ hai, các nhân viên có ý định rời đi vì quy trình làm việc là những người nhìn ra các vấn đề cốt lõi ảnh hưởng đến hiệu suất và doanh thu. Nếu ở lại và được trao quyền, họ có thể giúp giải quyết vấn đề.
Thứ ba, các nhân viên rời đi vì không tìm được môi trường hoặc điều kiện phù hợp để phát triển thường là những người có tố chất, quan điểm riêng. Họ là những người có thể nhìn ra và thúc đẩy sự đổi mới, giúp chuyển hướng phát triển cho công ty trong những tình huống ngặt nghèo.
Tuy nhiên, trách nhiệm giữ chân nhân viên không chỉ thuộc về các lãnh đạo cấp cao và bộ phận Nhân sự. Những tư duy trên cần được thấm nhuần trong đội ngũ quản lý, để họ đặt quyền lợi của tổ chức, tập thể lên trước mong muốn chủ quan. Họ cũng có trách nhiệm tìm hiểu yếu tố khác biệt của mỗi nhân viên dưới quyền, điều gì là động lực, nguyện vọng, lợi ích khiến họ cống hiến trong công việc.
Để làm được điều đó, họ cũng cần được cung cấp những công cụ cần thiết, được trao quyền để hỗ trợ, tác động tích cực đến các nhân sự của họ khi cần. Và điều quan trọng, những quyền lợi này được thể hiện một cách trực quan, minh bạch và có phù hợp để người lao động nhìn ra việc ưu tiên và giữ chân tương đồng với hiệu suất công việc.
Nghệ thuật giữ chân nhân sự
1. Chế độ làm việc linh hoạt như mong muốn
Cuộc cách mạng công nghiệp đã khiến ‘sáng cắp ô đi chiều cắp về’ là mô hình làm việc tiêu chuẩn. Mô hình này bị phá vỡ phần nào bởi đại dịch Covid. Và chúng ta cũng không biết được rằng 100 năm tới, những quy định cứng nhắc về giờ làm, chỗ làm việc có thể thay đổi đến đâu. Nhưng rõ ràng rằng một bộ phận lớn nhân sự đang mong muốn chế độ làm việc linh hoạt hơn.
Môi trường làm việc được sắp xếp linh hoạt được chứng minh là có thể giảm căng thẳng, tiết kiệm thời gian và giảm lượng khí thải carbon cho các đô thị. Tất nhiên, việc sắp xếp công việc linh hoạt chỉ phát huy tác dụng nếu được quản lý cẩn thận và có chủ đích.
Nếu không, nó có thể trầm trọng thêm các vấn đề như quá tải (vì quản lý sợ không kiểm soát được hiệu quả nên chủ ý gia tăng khối lượng công việc), bất bình đẳng giới (phụ nữ phải làm việc gia đình nhiều hơn nữa khi WFH), sự bất bình đẳng về cơ hội thăng tiến…
Chưa kể, theo một nghiên cứu toàn cầu, trong thời gian giãn cách kể từ tháng 2 năm 2020, thời gian dành cho các cuộc họp đã tăng trung bình hơn 250%, tạo ra mức độ căng thẳng, không vui và kiệt sức cao hơn cho nhân sự.
Để giải quyết những thách thức này, các nhà lãnh đạo phải đặt ra hệ thống hiệu quả hơn về phân bổ thời gian, ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng và phù hợp với từng môi trường làm việc khác nhau. Đồng thời, đề nghị nhân viên cân nhắc về thời gian và địa điểm và các phương pháp hay nhất để hệ thống đó phù hợp với đặc thù công việc của họ.
Lắng nghe nhu cầu và đề xuất của nhân viên để có những quyết định thực tế – Ảnh: Pexels
2. Quản lý bằng sự nhân văn
Nguyên tắc quản lý kiểu quyền lực tập trung (chỉ huy "chỉ tay năm ngón" và kiểm soát vi mô) với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận sẽ kéo dài tình trạng bất bình đẳng và không nhân văn với người lao động.
Trong một xã hội mà người lao động ngày càng có nhận thức cao về quyền lợi của họ cũng như các giá trị khác trong cuộc sống, nguyên tắc quản lý này sẽ không được lòng người lao động.
Nghỉ việc là cách nhân viên nắm quyền kiểm soát, xem xét lại mối quan hệ của họ với công việc và thương lượng để có lợi ích, sự linh hoạt và được đối xử tốt hơn.
Đó cũng là cơ hội để các nhà lãnh đạo nhìn nhận những thiếu sót. Bạn cần đặt mình vào vị trí của nhân viên, nhìn ra các vấn đề để áp dụng các quy trình mới cân bằng giữa nhu cầu của tổ chức với nhu cầu về phẩm giá và hạnh phúc của nhân viên.
Đã đến lúc các lãnh đạo tận dụng vai trò của Công đoàn trong công ty. Đây không chỉ là tổ chức giải quyết các sự kiện hiếu hỉ, sinh nhật của nhân viên. Bạn hoàn toàn có thể thông qua Công đoàn để khảo sát về các vấn đề mà nhân viên quan tâm, và coi nhân viên như đối tác sáng tạo và vận hành các quy trình mới.
3. Tận dụng phỏng vấn nghỉ việc
Phỏng vấn nghỉ việc là hình thức vẫn còn xa lạ với nhiều nhà quản lý. Nhưng đây là một thao tác tuy không mất quá nhiều thời gian (30 phút - 1 tiếng trao đổi với nhân sự có ý định nghỉ việc), nhưng lại có thể tiết kiệm rất nhiều công sức và chi phí tuyển dụng thay thế.
Kể cả khi đó không phải nhân viên xuất sắc mà bạn muốn ưu tiên giữ lại, thì cũng nên nhớ trong một tổ chức chỉ có 5-10% nhân sự lõi xuất sắc, tức là 90% nhân sự thông thường còn lại có thể gặp phải vấn đề tương tự. Vì thế, phỏng vấn nghỉ việc cũng giúp bạn nhận ra những vấn đề cần cải thiện để giữ chân số đông nhân viên.
Chính thái độ cầu thị và mong muốn thay đổi để tạo ra một môi trường làm việc tích cực hơn của bạn có thể giúp thay đổi ý định của nhân viên. Trừ khi họ có một lời đề nghị tốt hơn rõ ràng, nhân viên cũng nhận thức được chi phí và thời gian phải bỏ ra trong thời gian đi tìm công việc mới.
Một môi trường làm việc hạnh phúc không đảm bảo hoàn toàn cho một công ty phát triển, nhưng chắc chắn sẽ là nền tảng cần thiết để nhân viên yên tâm cống hiến và tập thể vượt qua sóng gió khi cần.