Tìm việc dễ dàng...

Mẹo nhận diện và cách đối phó khi bạn bị sếp 'chơi xấu'

14/08/2023 09:16 GMT+7

Là một người trẻ, hoặc tính cách đơn thuần, có thể bạn phải lên bờ xuống ruộng kha khá rồi mới nhận ra mình đang bị sếp chơi xấu thế nào. CareerBuilder chỉ bạn một số mẹo nhận diện và đối phó trong tình huống phải trở thành "cừu đen" trong tổ chức.


"Đổ lỗi" là chiến lược kinh điển mà các vị sếp xấu chơi thường áp dụng – Ảnh: Pexels

"Đổ lỗi" là chiến lược kinh điển mà các vị sếp xấu chơi thường áp dụng – Ảnh: Pexels

Bạn có thể đã dày công chuẩn bị một kế hoạch, nộp cho quản lý và dự định trình bày lên cấp cao hơn, nhưng quản lý của bạn đã loại bạn khỏi các cuộc họp với ban lãnh đạo, và tự ý thể hiện như thể là kế hoạch của anh/chị ta? Tệ hơn, họ còn nói về hiệu suất của bạn một cách tiêu cực, đó chính là ‘cờ đỏ’ cho thấy một vị sếp xấu chơi.

Ngoài ra, một số quản lý còn chơi trò "Gaslighting" để đổ lỗi cho bạn, khiến bạn nghi ngờ chính mình và từng bước một mất khả năng đấu tranh cho bản thân. Đơn giản là họ nói và làm những việc tệ hại, sau đó phủ nhận chúng và nói rằng bạn đã nhầm lẫn, bạn "có vấn đề". Châm chọc bạn để gây cười, hạ uy tín cũng là một kiểu trong số đó.

Đừng ngạc nhiên nếu một kết quả nghiên cứu cho thấy gần 30% lực lượng quản lý là các vị sếp ‘độc hại’. Tức là bạn có đến gần ⅓ khả năng gặp phải vị sếp như vậy trong đời đi làm. Sau đây là một số biểu hiện:

Gaslighting

Sếp xấu tính sẽ có một số biểu hiện khá tức cười nhưng có thể khiến bạn bực mình, xấu hổ và dần dần mất tự tin, đặc biệt nếu họ mang bạn ra làm trò trước đám đông:

- Chê bai bạn những việc không liên quan đến công việc, nhưng làm như điều đó khẳng định con người bạn: chê bạn nấu ăn dở, không biết cách làm việc nhà, không hiểu về một vấn đề văn hóa - xã hội, chê bạn không ăn mặc chuyên nghiệp - dù quy định công ty không yêu cầu… Cho dù họ không có lập luận chắc chắn hoặc đầy thiên kiến, nhưng vị trí của họ và cách nói phán xét đầy tự tin của họ có thể khiến bạn và mọi người nghĩ đến khả năng họ nói đúng.

- Chê bai bạn những chuyện trong công việc: cho dù vị trí của bạn có thể chưa đòi hỏi hiểu biết, kỹ năng đó, và họ thừa biết kinh nghiệm của bạn ra sao, nhưng thay vì đào tạo cho bạn, họ tỏ thái độ thất vọng vì cho rằng bạn "hiển nhiên" phải biết điều đó.

- Chỉ đạo một đằng, đánh giá một nẻo: họ đưa ra cho bạn những yêu cầu A-B-C, nhưng sau đó mắng nhiếc, phê bình vì bạn đã không thực hiện yêu cầu D-E-F (mà trước đấy chưa từng đề cập với bạn). Họ khiến người khác hiểu là bạn đã thất bại trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.

- Họ làm một hành động xấu với bạn (vd: la hét vào mặt bạn…) nhưng sau đó đổ lỗi rằng bạn đã có biểu hiện không tốt trước đó (vd: không tỏ thái độ vui vẻ với họ, vì "đó là thái độ chuyên nghiệp trong một tập thể").

- Trong một cuộc tranh luận giữa bạn và sếp, một người thứ 3 có vị trí khách quan để đánh giá đã nói điều A - không nghiêng hẳn về ai, nhưng khi người đó rời đi, sếp nói rằng người đó đã nói điều B - hoàn toàn ủng hộ sếp. Vì không còn người thứ 3 đối chứng, sếp bạn đã đổi trắng thay đen một cách trắng trợn.

Người sếp xấu tính thừa biết vị trí cao hơn của họ sẽ khiến bạn phải nể vì, cân nhắc và những người khác cũng có thể sẽ tin tưởng họ hơn. Nếu bạn không phải là người có thói quen lên tiếng cho bản thân, cũng như không có lập luận chắc chắn để bảo vệ quan điểm, thì họ sẽ càng tự tin lấn tới. Bắt nạt là một cách để thể hiện quyền lực của những người xấu chơi. Và đó cũng là lý do họ thường chọn những nạn nhân là người hiền lành.

Khi bị sếp châm chọc, chỉ trích và ‘đổi trắng thay đen’ quá nhiều lần, bạn sẽ dần đánh mất sự tự tin vào bản thân, thậm chí không tin vào trí nhớ, năng lực hay khả năng tư duy của mình. Sự mất tự tin sẽ dần dần làm xói mòn giá trị bản thân của bạn, ảnh hưởng đến năng suất công việc. Ngay kể cả khi bạn có khả năng ‘bật’ lại sếp, họ vẫn có cách khác để hạ thấp vai trò của bạn trong tập thể.

Không được tham gia các cuộc họp liên quan, bạn bị hạn chế cơ hội phát triển – Ảnh: Pexels

Không được tham gia các cuộc họp liên quan, bạn bị hạn chế cơ hội phát triển – Ảnh: Pexels

Cướp công và chặn đường phát triển

Theo trách nhiệm mà bạn được giao khi ứng tuyển, bạn sẽ tham gia một số dự án và chịu trách nhiệm trước lãnh đạo cấp cao hơn. Nhưng sếp của bạn loại bạn khỏi các cuộc họp, triệt tiêu các cơ hội để bạn trình bày về công việc, đề xuất các ý tưởng… Họ loại bạn khỏi các sự kiện cho phép bạn thể hiện bản thân, khả năng đóng góp cho tổ chức. 

Chưa kể, họ tạo ra một lý do khách quan cho sự vắng mặt của bạn, rồi dần dần đổ lỗi hoặc tạo cảm giác rằng bạn không nhiệt tình, quan tâm đến nhiệm vụ được giao. Cuối cùng, họ có thể tạo ra một câu chuyện tiêu cực về hiệu suất làm việc của bạn, gieo rắc nó cho đồng nghiệp và lãnh đạo cấp cao của bạn - cả công khai và riêng tư.

Khi nói chuyện trực tiếp với bạn, họ đưa ra một lý do khách quan nào đó như "chỉ đạo của cấp trên" về việc bạn không cần tham gia các cuộc họp, và có thể báo cáo trực tiếp cho họ. Những đề xuất, kế hoạch của bạn, thông qua trình bày của sếp tại cuộc họp, lại trở thành thành quả của anh/chị ta.

Có người còn ‘thâm sâu’ hơn, dù bạn đã trình bày một kế hoạch trong cuộc họp công khai lần đầu, họ có thể phát ngôn những câu như thể chính họ đã góp phần tư vấn, chỉ đạo, hướng dẫn chính để bạn có thể thực hiện. Hoặc vẫn ý tưởng đó của bạn, họ chỉnh sửa một chút và biến thành của mình để trình bày vào lần tiếp theo, nhưng dần dần phủ định vai trò của tác giả ban đầu là bạn.

Và vì họ sợ rằng cấp dưới có năng lực sẽ thay thế họ trong tương lai, những khi xuất hiện một cơ hội nâng bậc, nâng cấp quản lý cho nhân viên dưới quyền, họ sẽ lựa chọn những nhân sự "hợp" về tính cách, hoặc đơn giản là biết lấy lòng họ. Với những vị sếp như vậy, đừng nghĩ họ sẽ tạo điều kiện dù bạn đã hết lòng giúp họ được đánh giá tốt, vì họ cần bạn ‘ngoan ngoãn’ ở dưới quyền, để tiếp tục ‘bòn rút’ các thành quả của bạn.

Cách xử trí

Sẽ là không dễ dàng để bạn có thể ứng phó với sếp xấu chơi, bởi họ hơn bạn về vị trí quyền lực, mối quan hệ, uy tín sẵn có cũng như khả năng tác động đến người khác. Mặt khác, nếu bạn nhận ra bản thân bị lợi dụng, o ép, bạn dễ dàng mất bình tĩnh và phản ứng bộc phát. Đó sẽ là cái cớ để sếp bạn phán xét trước tập thể rằng bạn không tôn trọng anh/chị ta, không coi trọng văn hóa công ty hoặc không có thái độ chuyên nghiệp trong công việc.

Cách xử trí trong tình huống này là giữ thái độ bình tĩnh. Điều đó có thể cướp đi cơ hội phản công trong một vài lần ‘xung đột’ ban đầu, nhưng giúp bạn có sự chuẩn bị tốt hơn cho lần tiếp theo. Khi chỉ có bạn và sếp, hãy thẳng thừng phủ nhận những "sự thật" mà họ dựng lên. Khi ở nơi đông người, tiếp tục làm điều đó nhưng với thái độ mềm mỏng và nhẹ nhàng hơn. Bạn có thể đặt các câu hỏi có tính khách quan để phủ định lại câu chuyện của họ.

Đừng ngại xin sự trợ giúp từ cấp cao hơn hoặc bộ phận nhân sự. Nhưng hãy chuẩn bị thật kỹ các bằng chứng, thể hiện rằng chúng có tính tái diễn. Bạn không cần phải kết luận rằng sếp của bạn cố ý, nhưng hãy nói về hậu quả của nó đối với hiệu suất của bạn.

Trường hợp công ty của bạn không sửa chữa được vấn đề này, CareerViet thành thật khuyên bạn hãy đi tìm cơ hội mới. Vì một doanh nghiệp không giải quyết được vấn đề "bắt nạt" trong công ty, sớm muộn nó sẽ trở thành một "văn hóa" để kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu, hoặc dẫn đến những trò bắt nạt mang tính bầy đàn. Bạn đến công ty để làm việc, và nếu bạn không thể phản công, bạn không nên ở lại để làm nạn nhân cho hiện tượng tiêu cực này.