Tìm việc dễ dàng...

Mẹo phân loại các kiểu ứng viên bạn gặp

27/07/2023 12:01 GMT+7

Có nhiều kiểu ứng viên với mối quan tâm khác nhau khi tìm việc. Nếu đó là ứng viên tiềm năng, bạn cần nhìn ra nhu cầu và đặc tính của họ để cân nhắc xem họ có phù hợp với vị trí đang tuyển dụng không.

Hãy hỏi họ câu này: "Bạn mô tả bản thân là người như thế nào?".

Người kiếm tiền

Bạn muốn ứng viên của mình đặt mục tiêu doanh số lên hàng đầu? Nếu họ trả lời như sau, bạn đã tìm đúng tuýp người mình cần:

"Tôi là có khả năng đàm phán, và tôi thích việc tập trung vào khách hàng, giúp họ xác định nhu cầu và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng mong muốn đó".

"Tôi là người thích đặt ra mục tiêu doanh số để phấn đấu, và tôi sẵn sàng điều chỉnh mục tiêu của mình để phù hợp với yêu cầu của công ty theo từng giai đoạn".

Nếu họ có đầy đủ kỹ năng hoặc kinh nghiệm mà vị trí đang tuyển cần, thì ứng viên này chính là một khoản đầu tư đáng giá.

Các kiểu ứng viên hay thường gặp - Ảnh: Pexels

Các kiểu ứng viên hay thường gặp - Ảnh: Pexels

Người khám phá tiềm năng

Nếu công ty bạn đang cần nhân sự triển khai một ngạch mới hoàn toàn, đó chắc chắn phải là người không sợ thử cái mới và đưa ra những quyết định khó khăn. Mặc dù hiệu suất là điều quan trọng, nhưng trong lĩnh vực mới thì việc có động lực, biết cách đặt mục tiêu, thực hiện các nhiệm vụ và không sợ cam kết chính là biểu hiện của khả năng cống hiến. Ví dụ:

"Tôi không phải là người chỉ chọn các phương án hoặc lĩnh vực an toàn. Tôi tin rằng giá trị của một người không chỉ đo bằng những gì họ có thể làm, mà còn bằng cách họ làm điều đó".

Nhân sự trung thành

Sự cống hiến của họ xuất phát từ lòng trung thành và mong muốn giúp công ty phát triển. Đây là một đặc điểm hiếm có và đặc biệt cần thiết cho sự thành công của công ty. Họ ưa thích những công ty có sứ mệnh và lý tưởng phù hợp với giá trị quan của họ, và nếu đã tìm ra, họ sẽ không nhảy sang công ty khác ngay khi có cơ hội:

"Với tôi, thành đạt là quan trọng. Nhưng tôi không đo mức độ thành công dựa trên các dự án có tiếng vang hay giành được hợp đồng để xây dựng tên tuổi của bản thân. Thành công chỉ quan trọng khi tôi phục vụ các mục tiêu ý nghĩa và cùng tập thể vượt qua những giai đoạn khó khăn".

Vấn đề là, công ty của bạn có chung hệ giá trị với họ không?

Người đi tìm sự phát triển

Họ là kiểu ứng viên luôn muốn tiến về phía trước. Họ sẽ không chọn một công việc an toàn nhưng nhàm chán và thiếu cơ hội phát triển bản thân. Đây là điều mà kiểu ứng viên này sẽ thổ lộ:

"Bản chất tôi là người tò mò và muốn tìm hiểu mọi thứ có thể về công ty và ngành này. Tôi coi một sự nghiệp thành công không chỉ thể hiện qua thu nhập, mà qua cả lượng kiến thức, kỹ năng học được hàng ngày". "Một trong những mục tiêu của tôi là học một kỹ năng mới mỗi khi có thể. Cho dù là công cụ mới để thiết kế hay cách thuyết trình nơi đông người… tôi đều háo hức thử nghiệm".

Còn chờ gì nữa, hãy giới thiệu về lộ trình đào tạo nhân sự mà công ty bạn có thể cung cấp nếu ứng viên nhận việc.

Người có trách nhiệm

Không ai là không từng mắc sai lầm trong công việc. Nhưng người sẵn sàng đứng lên thừa nhận nó và sửa sai không nhiều. Và một nhân sự biết học hỏi từ những sai lầm còn hữu ích hơn là một người cố tránh sai sót bằng mọi cách. Ví dụ:

"Tôi là người không ngại mắc sai lầm, và tôi muốn rút kinh nghiệm thay vì trốn tránh chúng. Có lần tôi đã gửi cho khách hàng sản phẩm không đạt chất lượng vì tin tưởng rằng chúng đã được bộ phận hậu kiểm kiểm tra trước khi xuất kho. Kể từ đó tôi luôn kiểm tra hàng trước khi giao, và sau đó gọi điện để kiểm tra xem khách hàng có ưng ý không".

Đừng đi tìm ứng viên hoàn hảo, hãy tìm người trung thực - Ảnh: Pexels

Đừng đi tìm ứng viên hoàn hảo, hãy tìm người trung thực - Ảnh: Pexels

Ứng viên định hướng tầm nhìn

Có những người không chỉ đơn giản là kiếm tiền, hoặc phát triển cho cá nhân họ. Họ thích vạch ra tương lai xa cho một sản phẩm hoặc một thương hiệu. Họ ưa thích viễn cảnh hiện thực hóa sứ mệnh của công ty, thậm chí vạch ra được các điểm cần sửa đổi, những dấu mốc hoặc tiêu chuẩn cần phải đạt được để thực hiện sứ mệnh đó. Đây thường là những người có tiêu chuẩn cao, thích sửa sai và nhìn ra những lỗi mà số đông không để ý. Có thể nhận ra họ qua những câu trả lời như:

"Thành công cá nhân là một chuyện. Nhưng điều tôi mong muốn là khắc phục các điểm còn hạn chế của công ty trong cách thức tiếp cận khách hàng. Đồng thời mở ra các hướng quảng bá khả thi để dòng sản phẩm này được phát triển hơn nữa".

Người chăm sóc

Có những người không chỉ có kỹ năng giao tiếp tốt, mà còn có phẩm chất tận tâm với cộng đồng xung quanh. Sự chú ý, cống hiến của họ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng chính là vốn quý của công ty. Bởi có làm khách hàng hạnh phúc thì dịch vụ mới thành công.

"Bạn bè của tôi luôn tìm đến tôi khi họ gặp khó khăn hoặc cần lời khuyên. Tôi cho rằng đó là vì tôi dành cho họ sự đồng cảm và tôn trọng. Tương tự, tôi nhìn nhận vấn đề của khách hàng cũng là vấn đề của tôi và thực sự muốn giúp họ giải quyết chúng".

"Tôi luôn là một người hướng ngoại. Tôi sẵn sàng lắng nghe mối quan tâm của khách hàng và đi tìm giải pháp hoặc đầu mối có thể hỗ trợ họ".

Tạm kết

Người đi ứng tuyển sẽ luôn muốn thể hiện những khía cạnh hữu ích của bản thân so với các ứng viên khác. Sẽ thật tuyệt vời nếu bạn tìm được ứng viên hội tụ phần lớn những yếu tố trên thông qua phỏng vấn. Và đừng quá lo rằng họ không trung thực, bạn vẫn còn có thể xác nhận bằng cách hỏi Người tham khảo của họ, chưa kể 2 tháng thử việc. Vấn đề còn lại là: doanh nghiệp của bạn có đáp ứng được mong muốn của ứng viên không, để họ nhận việc, cũng như gắn bó cống hiến dài lâu?